Từ cuối tháng 5 đến nay, lực lượng chức năng khu vực phía Nam phát hiện và thu giữ hàng chục ngàn bản SGK nghi ngờ sách giả. Trước tình trạng này, phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Lan, Phó Giám đốc Công ty CP Sách-Thiết bị trường học tỉnh về việc phân biệt sách giả.
|
Nhân viên Công ty Cổ phần Sách-Thiết bị trường học tỉnh chuẩn bị SGK cho năm học mới. |
Phóng viên: Vấn đề SGK giả đang trở nên nhức nhối ở nhiều địa phương. Vậy trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện tình trạng này hay chưa, thưa bà?
- Bà Lê Thị Lan: SGK giả thực sự là vấn đề nhức nhối trên cả nước nói chung, khu vực phía Nam và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng. Thời gian qua, Công ty CP Sách-Thiết bị trường học tỉnh thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn các đại lý và nhà sách trên địa bàn tỉnh cảnh giác, bài trừ, không kinh doanh, phân phối, sử dụng sách lậu, sách giả, sách không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Từ đầu năm 2024, chúng tôi đã cùng các NXB phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát sách giả tại các nhà sách, đại lý trên địa bàn tỉnh. Qua đó cũng phát hiện một số địa điểm vi phạm. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Để đấu tranh với sách giả, trong năm 2024 và những năm tiếp theo, chúng tôi sẽ tích cực phối hợp với các NXB và cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra thường xuyên, đột xuất và bất ngờ nhằm hạn chế nạn sách giả trên địa bàn tỉnh.
SGK giả có thể gây ra hậu quả, hệ lụy như thế nào, thưa bà?
- Đầu tiên, đó là sức khỏe của người tiêu dùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mà ở đây là các em HS, những mầm non tương lai của đất nước. Để tối đa hóa lợi nhuận, sách giả nói chung và SGK giả nói riêng thường sử dụng mực in rẻ và giấy tái chế. Mực in rẻ làm từ các hóa chất rất độc hại, trong đó thường có chì và thủy ngân. Giấy để in sách giả cũng thường là giấy tái chế, là loại giấy sử dụng nhiều hóa chất độc hại để xử lý giấy cũ thành giấy mới.
Bên cạnh đó, sách giả thường sử dụng công nghệ chụp chiếu nội dung từ sách thật dẫn đến nội dung, hình ảnh trong sách mờ, nhòe, chữ không rõ nét làm ảnh hưởng đến thị lực các em HS.
Sách giả được đánh máy lại hoặc sao chụp không thông qua các khâu kiểm duyệt nội dung nghiêm ngặt của NXB nên thường hay sai sót. Điều này dẫn đến có thể làm sai lệch kiến thức trong quá trình học tập của HS. Nguy hại hơn đó là, một số tổ chức, cá nhân lợi dụng sách giả cố tình lồng ghép những nội dung xấu, độc "núp bóng" SGK để truyền bá đến các em HS.
Hiện nay, tất cả sách của các NXB đã dán tem chống giả, đồng thời trên tem này có mã xác thực riêng cho từng cuốn SGK, nhằm kết nối đến kho học liệu điện tử của các NXB. Khi mua nhầm sách giả, HS không thể truy cập và sử dụng kho học liệu đi kèm SGK này.
Nhằm bảo đảm quyền lợi cho con em mình, tránh mua phải SGK giả, phụ huynh và HS nên chú ý những dấu hiệu phân biệt sách thật-giả nói trên. Nên mua sách tại các đơn vị phát hành sách giáo dục thuộc hệ thống NXB, hoặc đại lý, nhà sách do Công ty CP Sách-Thiết bị trường học tỉnh cung ứng, hoặc thông qua các kênh bán hàng online chính hãng của các NXB. |
Bà có thể nói rõ hơn về cách phân biệt SGK thật-giả?
- Trước hết, sách giả thường giảm giá mạnh khi mua. Vì vậy, phụ huynh, HS cần cảnh giác với các lời mời mua SGK giảm giá 20%, 30% hay thậm chí 50% so với giá bìa đã được các NXB niêm yết công khai. Sách in lậu là sách do các tổ chức, cá nhân tự sao chụp hoặc scan từ sách thật rồi in lại, với nội dung và cách trình bày giống sách thật. Nhiều cuốn sách in lậu không đảm bảo đầy đủ nội dung, chất lượng hình minh họa để tiết kiệm chi phí in ấn.
Do các đối tượng in lậu không phải thực hiện quy trình xuất bản theo quy định, không trả chi phí bản quyền cho tác giả theo Luật Sở hữu trí tuệ nên chi phí làm sách lậu thấp hơn nhiều so với giá thực tế của cuốn sách. Sách in lậu được bán ra với nhiều mức giá khác nhau. Tuy nhiên, có nơi bán sách lậu ngang với giá niêm yết trên bìa của sách thật.
Sách giả thường bị cắt xén, có khổ sách nhỏ hơn sách thật, đóng gáy cẩu thả, gáy sách mỏng dễ bị bong rời, thiếu trang. Sách giả thường in ấn kém chất lượng hơn sách thật, sử dụng giấy in chất lượng thấp, không sử dụng các công nghệ in đặc biệt (ép nhũ, cán mờ,…). Cùng với đó là chữ bị vỡ, nét đậm nhưng không sắc, đôi lúc bị đứt. Hình ảnh không rõ ràng, bị nhòe, màu sắc không đồng đều (thường là đậm hơn so với sách thật) do dùng máy scan và xử lý lại.
Một dấu hiệu đáng chú ý nữa là tem chống giả có thể bị méo mó, không cân đối, sắc nét. Trường hợp tem chống giả giống thật thì bị thiếu họa tiết chìm, mã số xác thực sai, dễ dàng phát hiện bằng việc quét QR code để kiểm tra.
Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!
Trích báo điện tử https://baobariavungtau.com.vn/